Những ngày đầu tháng 10 mưa liên tục làm khoảnh sân của căn nhà trọ cạnh chợ Ông Đồn,ườiphụnữnămnuôiđứatrẻbịbỏrơcheri cheri lady huyện Xuân Lộc trở nên lầy lội. 5h30, mặc cho bà Thoa liên tục giục ăn sáng rồi đi học nhưng Hồng Nhi (19 tuổi) vẫn cố quét hết nước và bùn sình "để ngoại không phải làm nặng".
"Con nhỏ ít nói vậy nhưng hiếu thảo lắm", bà Trương Thị Kim Thoa (60 tuổi) nói.
Bà Thoa quê xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Hơn 30 năm trước, bà ly hôn chồng rồi ôm con gái đến chợ Ông Đồn, thị trấn Gia Ray, mở tiệm may.
Hơn 8 năm trước, chợ Ông Đồn xuất hiện người phụ nữ làm nghề rửa chén thuê thường dắt theo một bé gái đầu ba chỏm tóc đi ngang qua tiệm. Thấy đứa nhỏ còi cọc, đen đúa, bà Thoa thấy thương nên thi thoảng lại gọi hai mẹ con vào giúi cho vài nghìn đồng "để con mua kẹo".
Hỏi chuyện, bà biết đứa trẻ 10 tuổi tên Nhi. Năm 2004, người phụ nữ này sinh con ngoài ý muốn với một chàng trai Trà Vinh trong hoàn cảnh khó khăn. Cả hai cãi vã rồi chia tay. Gia đình ngoại từ mặt nên người mẹ dẫn con lang bạt khắp huyện Xuân Lộc làm thuê kiếm sống. Đứa trẻ không chịu được nắng mưa vỉa hè nên người mẹ gửi vào một ngôi chùa ở Bà Rịa - Vũng Tàu. 10 năm sau, hai người hàn gắn nên đón Nhi về nhưng cũng chỉ được vài tháng. Sau một trận cãi vã, gây gổ người chồng lại bỏ đi lần nữa.
Hè 2016, người mẹ mang theo vài bộ đồ dẫn theo Nhi đến tiệm may bà Thoa nói gửi con vài hôm để đi tìm thuê nhà trọ ở Vũng Tàu làm phụ hồ. Khi nào sắp xếp cuộc sống ổn định sẽ về đón con.
Bà Thoa gật đầu nhưng một tuần, hai tuần rồi một tháng trôi qua, người mẹ không thấy quay lại. Bà gọi điện hỏi chỉ nhận được những lời khất lần. Đến tháng thứ hai, người phụ nữ này hoàn toàn mất liên lạc.
Bần thần nhìn đứa trẻ gầy nhom ngồi trong nhà, bà Thoa nói: "Thôi mẹ bỏ rơi thì con ở với ngoại". Hôm sau, bà ra cửa hàng quần áo mua cho Nhi vài bộ đồ và hai cái khăn mặt. Gia đình bà Thoa biết tin không phản đối nhưng người trong chợ lại xì xầm. Họ nói bà dư cơm, nuôi con người dưng, rồi đứa trẻ sau này ốm đau biết cậy vào ai. "Tui bỏ ngoài tai hết. Lương tâm không cho phép mình đẩy đứa nhỏ không người thân thích ra đường", bà nói.
Ở tuổi 52, bà Thoa một lần nữa làm mẹ. Bé Nhi thời đó "như con mèo ướt", gầy nhom, tay chân khẳng khiu. Ở chùa từ nhỏ nên đứa bé không biết ăn thịt cá, cứ cho vào mồm là lát sau chạy ra nhà vệ sinh nôn sạch. Bà Thoa phải xay nhuyễn, nấu cùng cháo để Nhi ăn dần cho quen. Những đêm mưa gió trở trời, bệnh hen suyễn làm con bé khó thở, bà thức trắng trông cháu. Ai mách ở đâu có thuốc chữa hen tốt, bà Thoa lại khăn gói đi tìm mua.
"Nhưng nuôi không khó bằng dạy", bà kể. Sống lang thang ở chợ đã quen, Nhi gần như mất hết nếp sinh hoạt theo giờ giấc. Có lần, con bé mải chơi với hàng xóm, quá giờ không về làm bà Thoa hốt hoảng chạy đi tìm. Bà giận và lo nên cháu vừa về đã lớn tiếng mắng. Con bé dỗi, cả bà và cháu không nói chuyện với nhau suốt một tuần. Bà Thoa kể không biết ai nói nhưng con bé luôn nghĩ bản thân không cha, không mẹ nên không được dạy dỗ tử tế, hay tủi thân, tự ái.
Mấy hôm sau, bà gọi Nhi lại nói: Trên đời này con còn có ngoại nên không phải đứa trẻ bơ vơ. Con bé òa khóc.
Sau lần đó, bà quyết tâm cho cháu đi học. Ông Đỗ Đức Thành, tổ trưởng khu 3, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc là người hỗ trợ bà Thoa hoàn thành các giấy tờ cho bé Nhi. Chính quyền địa phương đã đi tìm nhưng không ai biết gốc gác của người phụ nữ được cho là mẹ ruột của cháu Trần Thị Hồng Nhi ở đâu, chỉ xác nhận cháu bé được bà Thoa nhận nuôi và chăm sóc trong hoàn cảnh không cha không mẹ. Cơ quan chức năng chỉ tìm được tờ giấy khai sinh của Nhi ở ngôi chùa cháu từng được nuôi dưỡng và học hết tiểu học.
Nhi lớn lên hiểu chuyện nên chăm chỉ học tập. Kệ tủ nhà bà Thoa chật kín giấy khen học sinh giỏi của con bé.
Đại dịch Covid-19 ập đến, tiệm may của bà Thoa phải đóng cửa, cả hai bà cháu quay quắt trong nghèo khó, nhiều khi trong nhà không còn cái ăn. Dịch dịu đi cũng là thời điểm Nhi vào cấp 3. Lần đầu tiên, bà nghẹn giọng nói với Nhi: Ngoại không còn khả năng cho con đi học nữa.
Nhưng nghĩ mấy hôm, bà Thoa không đành để cô bé ở nhà, cho đi làm công nhân thì không đủ tuổi mà việc bưng bê quán cà phê cũng khiến bà lo âu. Tháng 9/2021, bà Thoa quyết định gọi đến trường THPT Hồng Bàng để trình bày hoàn cảnh. Nhà trường đồng ý giảm 70% học phí và hỗ trợ sách giáo khoa, bà Thoa chỉ phải mua vở và dụng cụ học tập. Hôm Nhi được đến trường, bà nhìn theo nước mắt chảy dài.
Thầy Phạm Việt Thắng, hiệu trưởng trường THPT Hồng Bàng, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, cho biết nhà trường đã cử giáo viên chủ nhiệm đến nhà thăm hỏi, động viên Nhi. Hai năm trước, thầy Thắng là người nhận cuộc gọi của bà Thoa và xúc động trước hoàn cảnh người phụ nữ đơn chiếc cưu mang đứa trẻ bị bỏ rơi.
"Chúng tôi cảm phục tấm lòng của bà", thầy hiệu trưởng nói.
Hàng ngày, Nhi tan học về nhà nấu nướng, dọn dẹp, xếp vải giúp bà. Thi thoảng cô bé sang nhà hàng xóm bán hàng thuê. Bà Thoa nói con bé hay kể về chuyện ở trường, bạn bè được bố đón đưa hoặc mẹ tổ chức sinh nhật cho. Nhưng sau những câu chuyện đó, Nhi không bao giờ hỏi về cha mẹ ruột mình. "Có lẽ Nhi đã quên ký ức xưa nhưng tôi luôn nói nếu một ngày mẹ trở về, con phải thương lấy mẹ vì hoàn cảnh quá khó khăn chứ không người mẹ nào muốn bỏ con mình", bà Thoa kể.
Hai năm trước, có lần bà Thoa giận Nhi vì không nghe lời. Hôm 20/10, Nhi lặng lẽ mang về chiếc bánh kem nhỏ, ghi dòng chữ "Chúc mừng ngày phụ nữ Việt Nam ‘mami’ hay dỗi". Bà Thoa bật cười, nhưng cũng thấy cay khóe mắt.
"Có lẽ trong sâu thẳm, con bé đã xem tôi như mẹ nó", bà Thoa nói.
Ngọc Ngân