Dưới cơn mưa tuyết tại một địa điểm bí mật ở miền đông Ukraine,ùbinhNgakểvềácmộngtrênchiếntrườtỷ lệ cược tối nay những người lính Nga co ro trên sàn gara, tay chân lấm lem, gương mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi, kiệt sức.
Họ là những tù binh đã bị quân đội Ukraine bắt trong cuộc giao tranh dữ dội nhằm giành quyền kiểm soát thành phố Avdeevka ở tỉnh Donetsk. Họ đang chờ để được chuyển đến các cơ sở giam giữ tù binh nằm cách xa tiền tuyến.
Lực lượng Nga bắt đầu mở chiến dịch tấn công thành phố Avdeevka từ giữa tháng 10, nhằm đảo ngược tình thế trên chiến trường sau đợt phản công của Ukraine. Đại diện của nhóm tác chiến Ukraine ở Avdeevka nhận định Nga đang tìm cách bao vây thành phố và nơi này có thể trở thành "Bakhmut thứ hai".
Nhưng chiến dịch tấn công Avdeevka đã khiến nhiều binh sĩ Nga bị Ukraine bắt làm tù binh. Thông thường, những người bị bắt nói rằng họ bị lạc và vô tình rơi vào tay đối phương, bởi đầu hàng bị coi là hành động phạm pháp ở Nga.
Moskva cho thấy họ sẵn sàng chấp nhận thương vong cao trong nỗ lực tấn công Avdeevka nhằm tiến gần hơn tới mục tiêu kiểm soát hoàn toàn tỉnh Donetsk. Quân đội Nga đang dần áp sát vùng ngoại ô ở ba mặt của Avdeevka, đồng thời cố gắng chiếm vùng nông thôn ở phía tây, nhằm cô lập hoàn toàn thành phố.
Nếu kiểm soát thành công Avdeevka, Nga có thể mở ra những bước tiến quan trọng ở khu vực Donetsk. Đây cũng sẽ là một thắng lợi cho phép Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng Moskva đã giành lại động lực tiến công sau khi chiến dịch phản công hồi mùa hè của Kiev không thể đạt được bất kỳ bước đột phá nào.
Những người lính Nga bị Ukraine bắt tại cơ sở giam giữ tạm thời hầu hết ở độ tuổi 30-40. Họ phải đối mặt với nguy cơ bị giam vô thời hạn, khi các cuộc trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine đã bị đình chỉ trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, một số người tỏ ra nhẹ nhõm. Họ đã thoát khỏi những trận chiến khủng khiếp ở Avdeevka.
Trao đổi với phóng viên Wall Street Journal, một số binh sĩ tình nguyện Nga kể về động cơ tham chiến ở Ukraine, quá trình huấn luyện cũng như tinh thần đơn vị của họ khi được lệnh tiến hành những cuộc tấn công triền miên.
Sergei, cựu công nhân nhà máy ở thành phố Perm, gần dãy núi Ural, người đã đăng ký tòng quân hồi tháng 10, mô tả giao tranh ở Avdeevka là một "cơn ác mộng". Sergei cho biết công việc cũ của anh được trả 30.000 rouble mỗi tháng, tương đương khoảng 340 USD. Khi Sergei đồng ý tới chiến đấu ở Ukraine, quân đội Nga đề nghị trả anh 100.000 rouble (khoảng 1.130 USD) mỗi tháng.
Theo lời Sergei, quá trình huấn luyện tại Nga diễn ra khá đơn giản và ngắn ngủi. Những tân binh như anh được bắn hết hai băng đạn từ một khẩu súng trường và học các bài lý thuyết về sơ cứu.
Anh không nghĩ mình sẽ phải chiến đấu trên tiền tuyến. Sergei ban đầu tưởng rằng anh chỉ phải lái xe tải hậu cần ở tuyến sau.
Nhưng đơn vị của Sergei cuối cùng bị điều thẳng đến Avdeevka, nơi họ được lệnh tấn công cánh rừng mà quân đội Ukraine trấn giữ ở phía bắc thành phố. Đối mặt hỏa lực từ dàn xe thiết giáp của đối phương khiến nhiều người thiệt mạng, đơn vị của Sergei buộc phải rút lui về vị trí ban đầu.
Sergei bị thương nhưng nhanh chóng được đưa trở lại tiền tuyến. Anh cho biết vào cuối tháng 11, anh bị bắt trong lúc mất phương hướng. "Tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi không muốn nhìn thấy cơn ác mộng này nữa", Sergei nói.
Một tù binh khác trong nhóm là Pavel cho biết anh được gọi nhập ngũ trong đợt động viên cuối năm 2022. "Tôi chỉ có hai lựa chọn là đến đây hoặc đối mặt với án phạt hay ngồi tù", cựu công nhân vận hành máy đến từ Siberia nói.
Pavel cho hay trong quá trình huấn luyện chiến thuật, anh chỉ được hướng dẫn một số động tác cơ động trên chiến trường, sau đó được điều tới vùng hậu phương tại đông bắc Ukraine.
Pavel không phải đối mặt với nhiều cuộc tấn công, nhưng lại đặc biệt lo sợ những chiếc UAV lớn của Ukraine bay trong đêm mà người Nga gọi là "Baba Yaga", một mụ phù thủy độc ác từ truyện dân gian Đông Âu.
Mùa thu vừa qua, đơn vị của Pavel được điều đến Avdeevka và trở thành lực lượng xung kích.
Đại đội của anh có nhiệm vụ băng qua đường ray xe lửa đang tranh chấp ác liệt ở phía bắc thành phố và chiếm một số chiến hào. Nhiều phương tiện của họ đã bị pháo binh hạ gục trước khi đến đích. Đơn vị cuối cùng chiếm chiến hào thành công nhưng phải tiếp tục chịu thêm thương vong từ lực lượng Ukraine trước khi được giải vây.
"Đại đội trưởng bảo rằng chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu. Nhưng làm sao có thể nói như vậy khi chỉ có 35 trong đại đội 100 người sống sót?", Pavel cho hay. "Và đó chỉ là số thương vong trong một ngày".
Anh cho rằng tổn thất lớn bắt nguồn từ chiến thuật tấn công trực diện của các chỉ huy và việc các binh sĩ không được đào tạo bài bản. "Để trở thành một đội quân xung kích thực sự cần rất nhiều công sức và thời gian", Pavel nói.
Vào một đêm, đại đội đang kiệt sức của anh được điều động trở lại khu vực tranh chấp gần đường ray xe lửa để củng cố vị trí vừa chiếm được. Anh nhận nhiệm vụ đưa những người bị thương quay trở về. Theo lời Pavel, anh cùng một đồng đội đã bị lạc đường và tới gần bìa rừng nơi lực lượng Ukraine đang trấn giữ.
"Tôi nghĩ thế là hết. Chúng tôi nằm rạp xuống đất rồi hét lên 'đừng bắn!'', Pavel kể lại. Các binh sĩ Ukraine sau đó nói với họ rằng hai người đã gặp may. Họ vừa đi qua một bãi mìn.
Andrei, người cũng bị bắt làm tù binh ở phía bắc Avdeevka, cho biết việc các chỉ huy Nga nhất quyết đưa những người bị thương trở lại mặt trận là một lý do khác khiến tinh thần chiến đấu xuống thấp.
Binh lính Nga thiệt mạng vì được lệnh tấn công các vị trí mà họ không được bảo vệ khỏi hỏa lực từ phía Ukraine, ngay cả khi họ chiếm được mục tiêu, Andrei giải thích. Tuy nhiên, anh cho rằng các chỉ huy đại đội trên thực tế cũng chỉ nhận lệnh từ cấp trên của họ.
"Nếu không tuân theo mệnh lệnh, bạn sẽ phải ngồi tù một thời gian dài", anh nói.
Andrei, cựu nhân viên ngân hàng, cho hay anh tình nguyện gia nhập quân đội vì nhiều người thân của anh từng nhập ngũ trước đây. Andrei mắc bệnh tim và tưởng mình sẽ ở đơn vị dự bị, nhưng thay vào đó anh lại được đưa ra tiền tuyến.
Không lâu sau, anh đã đến Avdeevka, ngồi trên một chiếc xe bọc thép cùng 11 người khác khi nó bị trúng mìn. Một nửa số người trên xe thiệt mạng, còn Andrei bị chấn động nặng. Anh cho biết đã nằm suốt đêm cho đến khi hồi đủ sức lực để quay trở lại căn cứ. Sau ba tuần nghỉ ngơi, anh trở lại chiến hào, nơi những đồng đội xung quanh anh liên tục ngã xuống vì đạn pháo. Sau cùng, họ quyết định rút lui.
"Tôi bị lạc", anh nói. "Tôi nhìn thấy hai người lính và hỏi xin nước. Hóa ra họ là lính Ukraine", thêm rằng đây là cuộc chiến giữa những người anh em và nó đã gây ra tổn thất "không thể biện minh được" cho cả hai bên.
Vũ Hoàng(Theo WSJ)