Hơn 7 năm dạy học ở vùng cao
Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Toàn huyện có 15 xã và 2 thị trấn với 124 thôn,ôgiáotrẻbámtrụvùngcaođưacôngnghệvàodạyhọpose dáng bản, khu phố thì có 14 xã đặc biệt khó khăn, 108 thôn đặc biệt khó khăn của xã vùng 2. Đặc biệt nơi đây có hàng chục dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 57%. Ở vùng cao này, nhiều học sinh (HS) còn ở nhà vách đất, các em cũng là lao động chính trong gia đình.
Khi về đây công tác, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Dung đã không khỏi băn khoăn vì từ nhà cô (H.Yên Dũng, Bắc Giang) tới trường dài 90 km gập ghềnh, hiểm trở và phải đi hết nửa ngày. "Nhà mình có 3 chị em gái, thì hai người đã lập nghiệp ở rất xa, mẹ mình bị bệnh tim thường xuyên đau yếu. Vì thế sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mình muốn về gần nhà giảng dạy để chăm sóc mẹ. Nên khi được phân công giảng dạy tại huyện miền núi xa xôi này, mình thực sự rất hoang mang", cô Dung nhớ lại.
Ngày đến với trường, cô được cha đồng hành bằng xe máy. Con đường gập ghềnh với những đường đất bụi trắng xóa hai bên đường. "Lên đến nơi, người bố con mình lấm lem cả. Lúc ấy mình bắt đầu đắn đo, liệu có nên ở lại đây...", cô Dung tâm sự. Tuy nhiên, những tình cảm của đồng nghiệp và đặc biệt là HS đã níu chân cô giáo trẻ ở lại vùng đất này. "Mình vẫn còn nhớ, hồi tết Hạ nguyên (rằm tháng mười âm lịch) trên này, tự nhiên HS cứ thập thò ở cổng, rồi gọi cô: "Cô ơi, ra em bảo cái này!". Khi ra tới nơi, HS ấn vào tay mình 2 đùm bánh giầy tự làm rồi bảo: "Bố mẹ em cho cô để cô ăn tết 15.10 đó". Hay có hôm đang ngồi làm việc, có HS xách một đùm măng rừng lên tặng... Rồi mùa bưởi, mùa táo, các em cứ đùm to, đùm nhỏ mang cho cô", cô Dung hạnh phúc chia sẻ.
Mình mong muốn rằng không chỉ các em thành phố mới có thể cập nhật được công nghệ tiên tiến, mà các HS miền núi khó khăn cũng có thể theo kịp với sự phát triển mạnh của xã hội trong thời đại công nghệ 4.0.
NGUYỄN THỊ DUNG, Trường THPT Sơn Động số 1, tỉnh Bắc GiangKhi lập gia đình, sinh con, cô lại càng khó khăn hơn vì nhà chồng cũng ở xa trường. Cô phải mang con nhỏ đến trường ở cùng. Vừa chăm con nhỏ và vừa làm giáo viên chủ nhiệm, vừa giảng dạy lớp 12 và bồi dưỡng HS giỏi, nên có lúc cô cảm thấy rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn luôn luôn cố gắng.
Truyền cảm hứng cho học sinh
Không chỉ vượt qua khó khăn, từ ngày đến trường, cô giáo trẻ đã không ngừng truyền cảm hứng cho HS bằng việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn sinh học. Trong các tiết học, cô đã áp dụng nhiều phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực để HS có thể tham gia thuyết trình, thảo luận nhóm, trải nghiệm, giúp các em cảm thấy thích thú hơn với tiết học, dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn. Tuy nhiên, đây là một hành trình không ít gian nan. Cô Dung vẫn nhớ, năm đầu tiên đi dạy, có một lần đang tổ chức thảo luận nhóm, một HS đứng lên ý kiến: "Cô ơi, cô đọc cho bọn em chép đi, em quen như thế rồi...".
"Lúc ấy mình có chút bất ngờ, chút hụt hẫng. Về nhà, mình cũng đắn đo, cũng suy tư. Nhưng suy nghĩ lại, mình cũng hiểu, các em ở đây khó khăn đủ đường. Bình thường đi học về, các em còn phải giúp bố mẹ đủ việc, nào là làm nương, đi rẫy, thời gian học ở nhà không có nhiều, đi lên lớp đầy đủ, biết được cái chữ đã là tốt lắm rồi. Mình bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn về các phương pháp dạy học tích cực, làm sao để HS hứng thú với môn học hơn, làm sao để các em thấy nhẹ nhàng, không áp lực khi đi học, làm sao để các em thích tới trường. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu. Và mình đã không từ bỏ", cô giáo trẻ nhớ lại.
Hơn 7 năm công tác, cô Dung đã có rất nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, trong đó có các biện pháp, sáng kiến được công nhận ảnh hưởng trong ngành như: "Sử dụng trò chơi vào giảng dạy chương 3 - Chuyển hóa vật chất và năng lượng trong tế bào - Sinh học 10 cho HS"; "Sử dụng Liveworksheets vào dạy học chương 1 - Cơ chế di truyền và biến dị - Sinh học 12"; "Sử dụng kỹ thuật Think - Pair - Share và mô hình trực quan vào dạy học chuyên đề "Tế bào nhân thực"…
Đặc biệt, trong năm học vừa qua, cô giáo trẻ đã mạnh dạn đưa công nghệ số vào trong tiết dạy của mình. HS được phép sử dụng điện thoại, thiết bị thông minh vào tiết học. Từ cách đổi mới giảng dạy này, HS tham gia rất nhiệt tình vào tiết học, giáo viên có thể đánh giá nhanh chóng khả năng học tập của các em.
"Mình mong muốn rằng không chỉ các em thành phố mới có thể cập nhật được công nghệ tiên tiến, mà các HS miền núi khó khăn cũng có thể theo kịp với sự phát triển mạnh của xã hội trong thời đại công nghệ 4.0", cô Dung tâm sự.
Với phương pháp dạy học tích cực, những HS được cô bồi dưỡng đi thi HS giỏi cấp tỉnh, đã có 3 em xuất sắc giành giải cao trong kỳ thi. Không chỉ là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, trong vai trò chủ nhiệm, cô đã "làm bạn với HS" để đồng hành, chia sẻ và thấu hiểu các em hơn. "Trong công tác chủ nhiệm, mình cũng cố gắng tổ chức được nhiều hoạt động bổ ích cho HS. Đặc biệt là các hoạt động thiên về giáo dục kỹ năng sống cho các em, vì điều đó rất cần thiết cho các em sau này", cô Dung chia sẻ.
Cô cũng đã tổ chức cho HS thi làm đồ handmade từ đồ tái chế nhằm góp phần bảo vệ môi trường; tổ chức cuộc thi "Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên", tìm hiểu về tình bạn, tình yêu tuổi học trò; diễn và đóng phim, làm video chúc mừng năm mới…
Với nỗ lực của mình, cô Nguyễn Thị Dung đã được Chủ tịch UBND H.Sơn Động tặng giấy khen trong công tác bồi dưỡng HS giỏi cấp tỉnh và giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen do đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập" năm học 2022 - 2023. Đặc biệt, cô Dung vừa được T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên VN xét là 1 trong 58 thầy cô giáo tiêu biểu của toàn quốc, để tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023.