Đó là bệnh nhân H.V.N (30 tuổi) đi khám sức khỏe định kỳ và được bác sĩ Nguyễn Khiêm Thao,ườiđànôngđượcpháthiệncóhạchcổtrongđóhạcháctíkrystal Phó khoa Loạn nhịp tim, Trung tâm tim mạch Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, phát hiện ngoại tâm thu thất (một dạng rối loạn nhịp tim). Nhưng sau đó, thấy cổ bệnh nhân phình to bất thường nên bác sĩ đã sờ và thấy nhiều hạch cứng phía cổ trái. Bệnh nhân nói mấy tháng trước anh sờ thấy hạch cứng ở cổ, không đau và không có dấu hiệu gì khác lạ nên nghĩ bình thường không đi khám. Bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân siêu âm tuyến giáp và hạch cổ.
Kết quả cho thấy bệnh nhân bị u tuyến giáp thùy trái kích thước 29x23x35mm, kèm chùm 27 hạch cổ nhiều kích cỡ, hạch lớn nhất lên đến 18mm.
Bác sĩ nhận định bệnh nhân có khả năng khởi phát ung thư tuyến giáp từ lâu. Kết quả tế bào học chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm (FNAC), xác định ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú di căn hạch. Bệnh nhân được chỉ định cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo hạch cổ.
Trước phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị ngoại tâm thu thất bằng thuốc nhằm ổn định nhịp tim, tránh nguy cơ loạn nhịp trong lúc mổ.
Bác sĩ Lê Thị Ngọc Hằng (Khoa Ngoại tim mạch - lồng ngực) đánh giá đây là ca mổ khó vì phát hiện bệnh giai đoạn muộn đã di căn hạch cổ, dính sát khí quản. Bệnh nhân còn khá trẻ, cần bảo tồn dây thần kinh quặt ngược thanh quản để không ảnh hưởng giọng nói.
Trong ca mổ, các bác sĩ đã bóc tách dây thần kinh quặt ngược thanh quản, cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo sạch chùm hạch cổ. Tổng cộng 27 hạch, trong đó có 15 hạch ác tính.
Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục được xạ trị để giảm nguy cơ tái phát ung thư. Dự kiến khi tình trạng tuyến giáp ổn định sẽ tiến hành cắt đốt điều trị ngoại tâm thu thất.
"Bệnh nhân may mắn được bác sĩ tim mạch phát hiện bất thường vùng cổ, phối hợp liên chuyên khoa xử trí kịp thời. Nếu chậm trễ, tế bào ung thư di căn xa, xâm lấn các cơ quan quan trọng như khí quản, thực quản, dây thần kinh… Lúc đó, dù có phẫu thuật vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như giảm hiệu quả điều trị", bác sĩ Hằng nói.
Ung thư biểu mô tuyến giáp dạng nhú (còn gọi là ung thư tuyến giáp thể nhú) chiếm 80-85% tổng số ca ung thư tuyến giáp. Bệnh có tiên lượng tốt nhất trong các loại ung thư tuyến giáp. Hơn 90% người bệnh sống trên 10 năm nếu được điều trị ở giai đoạn sớm.
Tùy tình trạng di căn của tế bào ung thư, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, nạo hạch cổ dự phòng, sau đó kết hợp xạ trị, hóa trị, iốt phóng xạ để phòng ngừa tái phát.
Sau mổ cắt tuyến giáp và điều trị bằng iốt phóng xạ, bệnh nhân cần dùng thuốc hormone tuyến giáp suốt đời. Bệnh nhân cần tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm u tái phát, hạch hoặc các dấu hiệu di căn xa.